Xe nhiều công nghệ khiến tài xế lơ ngơ

18/09/2024
|
0 lượt xem
Cầm Lái Chăm Sóc Xe Kỹ Năng Lái
Xe nhiều công nghệ khiến tài xế lơ ngơ

Đó là tình huống diễn ra cuối tuần trước, khi Khang mượn xe của bạn để sử dụng vì xe anh đi bảo dưỡng. Người đàn ông có kinh nghiệm 4 năm cầm lái đường Hà Nội lái xe vào con ngõ nhỏ nhà họ hàng, hai bên là các mẹt rau, cá của phiên chợ cóc. Người đi chợ đứng, ngồi, đi xe máy tràn hết diện tích nhỏ xíu còn lại của lòng đường. Như thói quen, Khang với tay lên màn hình định chuyển chế độ camera 360 như xe của anh, nhưng xe này không có. Khang bất lực, đánh lái sang bên nào cũng sợ đụng. Anh ngồi im, thừ người, lơ ngơ và chờ một người đi chợ "xi-nhan" giúp từ bên ngoài.

Kể xong câu chuyện bên bàn trà, Khang nhất định khuyên người đồng nghiệp mới mua ôtô phải lắp camera 360. Chiếc crossover cỡ C- của anh dùng 4 năm có tính năng này, giúp anh tự tin đi vào ngõ nhỏ, nhưng đến khi không có, "cảm thấy như mình bị bịt mắt".

Trong khi đó, Anh Tuấn (Hà Nội) lái xe 5 năm, nhưng không thể ghép ngang (đỗ xe song song) chỉ vì một lần không đi xe của mình. Tuấn phải tìm vị trí thật rộng, giới hạn trước, sau không phải xe sang đắt tiền mới dám vào đỗ, vì sợ chẳng may va chạm, đền xe "cỏ" đỡ tốn hơn xe sang.

Hệ thống camera 360 trên một mẫu xe Nhật, có khuyến cáo "kiểm tra trực quan kỹ xung quanh để an toàn hơn" khi sử dụng. Ảnh: Hồ Tân

Camera 360, cũng như các công nghệ trợ lái thông minh khác như phanh chủ động (tự phanh khi phát hiện xe gần chướng ngại vật), kiểm soát hành trình chủ động (tự điều chỉnh tốc độ và khoảng cách với xe phía trước), tự động giữ làn, cảnh báo điểm mù... là những tính năng không còn xa lạ trên những mẫu xe mới hiện nay, ngay cả ở những xe ở phân khúc giá rẻ.

Các công nghệ này giúp việc lái xe trở nên an toàn và thuận tiện hơn khi sử dụng đúng cách, nhất là với những tài xế mới. Tuy nhiên, khi đã quen với việc sử dụng những công nghệ trợ lái hiện đại, tài xế có thể gặp nhiều khó khăn khi chuyển qua các mẫu xe không được trang bị, thậm chí là rơi vào tình huống nguy hiểm.

Tấn Lộc (Vũng Tàu) kể về một lần đi cao tốc khi thuê xe để du lịch, mẫu xe giống như xe Lộc đang sử dụng, tuy nhiên đời cũ hơn và chỉ đang trang bị ga hành trình cố định một tốc độ, thay vì ga hành trình thích ứng như trên xe của anh. Lộc cho biết khi cài tốc độ, anh cứ nghĩ rằng xe sẽ giữ khoảng cách, nhưng chiếc xe cứ lao đi vun vút, tới sát xe trước đang giảm tốc. Lộc giật mình đạp cứng phanh, may không va chạm.

"Sự cố này khiến tôi không còn dám sử dụng ga hành trình trên bất kỳ mẫu xe khác ngoài xe mình nữa", Lộc nói. Ngoài ra, anh còn cho biết xe anh thuê không phát ra tiếng "bíp bíp" khi có xe di chuyển trong điểm mù, tính năng mà xe anh luôn có, do đó nhiều lần anh đã quên kiểm tra điểm mù khi chuyển làn.

Một khảo sát gần đây của VnExpress trên hơn 500 tài xế cho thấy 46% thường xuyên sử dụng camera trên xe, 30% thỉnh thoảng sử dụng ở những nơi chật hẹp, và 24% cho biết hiếm khi dùng tới vì không cần thiết. Điều này có nghĩa rằng chỉ có số ít tài xế không phụ thuộc vào công nghệ khi thực hiện thao tác cơ bản khi lái xe là lùi chuồng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra công nghệ an toàn trên xe hữu ích trong việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn, nếu tài xế sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, các công nghệ an toàn đều có giới hạn riêng, không ngăn chặn hoàn toàn va chạm. Quá phụ thuộc vào những công nghệ này có thể khiến tài xế lơ là, chủ quan, dẫn đến tình trạng bỏ qua các quy tắc an toàn khi lái xe.

Màn hình hiển thị tính năng an toàn chủ động trên xe. Ảnh: Hồ Tân

Một nghiên cứu của của Hiệp hội Ôtô Mỹ AAA, khảo sát những người mới mua xe đời 2016 hoặc 2017 có gói công nghệ an toàn chủ động ADAS, chỉ ra gần 80% tài xế sử dụng xe có cảnh báo điểm mù không biết về những hạn chế của tính năng này, ví dụ như cảnh báo sai, hoặc không cảnh báo khi có người hoặc xe đạp trong vùng điểm mù.

Ngoài ra, gần 40% tài xế không biết về những hạn chế của hệ thống cảnh báo va chạm phía trước (chỉ đưa ra cảnh báo) và hệ thống phanh khẩn cấp tự động (can thiệp vào phanh), hoặc nhầm lẫn giữa hai công nghệ này.

Bên cạnh đó, khoảng 25% tài xế sử dụng hệ thống cảnh báo điểm mù hoặc cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau cho biết họ không kiểm tra thêm bằng mắt hoặc ngoái đầu nhìn lại để xem có phương tiện hoặc người đi bộ đang tới gần hay không. 33% chủ xe có hệ thống phanh khẩn cấp tự động không biết rằng hệ thống có thể bị vô hiệu hóa khi camera, cảm biến có thể bị ảnh hưởng bởi bụi bẩn, băng hoặc tuyết.

Chính vì những hạn chế của tính năng an toàn, các chuyên gia khuyên tài xế chỉ nên sử dụng công nghệ như một phương án hỗ trợ chứ không phải yếu tố quyết định thay cho khả năng điều khiển xe. Ví dụ, khi lùi chuồng đỗ, tài xế cần quan sát qua gương chiếu hậu trong, ngoài xe, chỉ liếc camera khi lo ngại sắp va chạm. Với cách này, khi công nghệ hỏng, hoặc lái xe khác không có công nghệ, tài xế sẽ tránh tình trạng "lơ ngơ" như người không biết lái.

Hồ Tân

Tin liên quan
Tin Nổi bật