Tôi thấy khó tin.
Ông vốn là một nhà đầu tư cá nhân đầy kinh nghiệm, một nguồn tin quan trọng của tôi trong hàng chục năm làm nghề báo. Ông đầu tư chứng khoán dài hạn, có cổ phiếu giữ mười mấy năm, mà giá trị không phải ít, đến vài tỷ đồng. Ông mua chứng khoán như gửi tiết kiệm, hưởng cổ tức hàng năm. Tiền nhàn rỗi có lúc ông đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Hóa ra ông có thể sẽ không thể mua trái phiếu doanh nghiệp vì một quy định mới của Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Dự thảo yêu cầu đối với cá nhân, phải tham gia đầu tư chứng khoán trong tối thiểu hai năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý gần nhất, đồng thời phải có thu nhập chung (từ nhiều nguồn khác nhau) tối thiếu một tỷ đồng/năm trong hai năm gần nhất, thì mới được xem là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và được tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.
Luật hiện hành quy định cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu hai tỷ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu một tỷ đồng là đủ tư cách làm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tức được mua trái phiếu doanh nghiệp. Dự thảo luật bổ sung thêm điều kiện về tần suất giao dịch chứng khoán.
Tôi trao đổi với một số đại diện các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và nhà đầu tư. Họ đều nhận xét quy định thêm về tần suất giao dịch cổ phiếu để đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu doanh nghiệp là không cần thiết, không phù hợp với thực tế. Quy định bổ sung, nếu được thông qua, sẽ hạn chế đáng kể số lượng cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân mua cổ phiếu và nắm giữ dài hạn, họ không có thời gian tính toán, giao dịch tới 10 lần/quý và suốt bốn quý liên tục. Ngay cả khi họ đã giao dịch ba quý liên tục, đến quý thứ tư không giao dịch hoặc giao dịch không đủ 10 lần, là sẽ phải tính lại tần suất giao dịch từ đầu.
Dự thảo cũng tiến thêm một bước "khắc nghiệt" với cá nhân khi đưa ra quy định mới "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là tổ chức". Như vậy chỉ các tổ chức mới được giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cá nhân bị loại hoàn toàn khỏi "cuộc chơi", trong khi luật hiện hành cho phép cá nhân được tham gia như tổ chức. Quy định mới không chỉ hạn chế quyền chủ động đầu tư của cá nhân, mà còn đi ngược lại chủ trương của Nhà nước khuyến khích mọi thành phần tham gia vào thị trường chứng khoán, thúc đẩy sự phát triển trung, dài hạn của nền tài chính quốc gia.
Đấy là về phía những người mua, còn phía người bán thì sao?
Dự thảo luật nhấn mạnh quy định mới mang tính then chốt: các doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được ngân hàng bảo lãnh. Luật đang có hiệu lực không quy định như vậy.
Yêu cầu chào bán trái phiếu phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng chẳng khác nào sợi dây trói tay doanh nghiệp. Một số ngân hàng nói thẳng không muốn liên quan đến việc bảo lãnh. Còn giám đốc một doanh nghiệp lập luận "nếu có đủ tài sản đảm bảo, thì thế chấp vay ngân hàng, cần gì phát hành trái phiếu với đủ mọi yêu cầu, thủ tục cồng kềnh".
Theo số liệu của Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay chỉ có 14,5% trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra có tài sản đảm bảo. Điều này cho thấy phần lớn doanh nghiệp tìm đến kênh chào bán trái phiếu ra công chúng do không có đủ hoặc không có tài sản cố định (như đất đai, nhà xưởng... ) để thế chấp vay vốn ngân hàng. Họ đáp ứng đủ điều kiện của luật pháp về kinh doanh có lãi, không có lỗ lũy kế, không có nợ quá hạn trên một năm, có kết quả xếp hạng tín nhiệm... Thêm nữa muốn phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét, thẩm định hồ sơ. Và chỉ khi có giấy phép của Uỷ ban họ mới được phát hành.
Sau "cơn sốt" trái phiếu doanh nghiệp cuối năm 2021 đầu năm 2022 - để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, mà chủ yếu do buông lỏng quản lý, cấp phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp tràn lan - nhà nước đã siết lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung pháp lý vẫn còn hiệu lực.
Quá trình siết lại này từng bước đưa phát hành trái phiếu doanh nghiệp vào nề nếp. Trái phiếu doanh nghiệp do các công ty bất động sản phát hành đã giảm mạnh, trái phiếu ngân hàng tiếp tục phát triển. Từ đây có thể nhận rõ những người mua đã "trưởng thành" hơn. Họ lường được "khẩu vị" rủi ro và định vị được doanh nghiệp tốt để giải ngân.
Hai năm qua, có nhiều ý kiến lên tiếng cần bảo vệ nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp. Bảo vệ không có nghĩa là thu hẹp đối tượng được quyền mua, giao dịch trái phiếu bằng những quy định không sát với thực tế. Thay vào đó nên tăng cường sàng lọc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thông qua khâu xét duyệt, thẩm định, cấp phép phát hành để "con voi" không thể "chui lọt lỗ kim".
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế hiện tại và sẽ là kênh huy động vốn chủ đạo trong tương lai. Trái phiếu doanh nghiệp là phương thức huy động vốn phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, quy mô trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ bằng 10-11% GDP tùy thời điểm, so với tỷ lệ 25-50% GDP ở các nước Đông Nam Á. Hiện nay dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng một triệu tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu ngân hàng, chiếm trên 70%. Trong 8 tháng đầu năm 2024, theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp bất động sản và các ngành nghề khác chỉ phát hành được 63,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong khi khối lượng trái phiếu phát hành của các ngân hàng đạt gần 150 nghìn tỷ đồng.
Mở rộng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp cả về lượng và chất là tất yếu trong quá trình phát triển thị trường tài chính. Muốn thế cần tạo điều kiện tuyên truyền, đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau để trang bị, nâng cao trình độ hiểu biết tài chính nói riêng, kinh tế nói chung cho nhà đầu tư cá nhân. Trái phiếu doanh nghiệp cũng là một loại hàng hóa trên thị trường chứng khoán, cần được tuyển lựa, chọn ra hàng chất lượng cao như cổ phiếu của các công ty niêm yết. Và nhà đầu tư cá nhân, tổ chức mới là người quyết định sau cùng liệu có nên mua.
Những rào cản không thích hợp sẽ làm knock-out thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến kéo lùi sự vươn dậy của thị trường tài chính.
Hải Lý