TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Viện phó Pasteur TP HCM, cho biết trẻ mắc sởi thường bị ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, hậu quả có thể kéo dài cả năm sau. Điều này khiến trẻ trở nên yếu ớt, dễ bị các bệnh nhiễm trùng tấn công.
Trước đây, sởi còn được dân gian gọi là "ban khỉ", bởi sau khi khỏi bệnh, trẻ thường suy dinh dưỡng, còi cọc rất nặng, ngoại hình "giống con khỉ". Bệnh dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy.... có thể gây tử vong. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi.
"Lo ngại nhất là nhóm trẻ dưới 12 tháng mắc sởi vì dễ biến chứng, có thể tử vong, suy dinh dưỡng còi cọc, thậm chí suy giảm miễn dịch, sau đó bội nhiễm mắc thêm bệnh khác như lao", bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khối nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cảnh báo.
Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương
Sởi thường khởi phát với triệu chứng sốt cao kèm ho nhiều, sau đó phát ban. Tính chất ban của sởi rất đặc biệt, mọc tuần tự từ chân tóc, xuống mặt, thân mình. Ban ban đầu đỏ sau khi bay dần sẽ thành vết thâm. Bệnh thường diễn tiến 4-5 ngày, khiến trẻ rất đừ, hay bỏ ăn, đỏ mắt, tiêu chảy, tiêu ra máu. Nếu biến chứng viêm phổi, trẻ sẽ thở rất nhanh, thở co kéo. Trẻ có thể biến chứng viêm não gây có giật. Tùy theo giai đoạn và tình trạng bệnh, trẻ có thể có triệu chứng khác nhau.
"Sởi có thể gặp ở mọi độ tuổi. Người chưa có miễn dịch (chưa chích ngừa, chưa mắc bệnh), khi tiếp xúc với bệnh sởi thì gần như 90% sẽ mắc bệnh", bác sĩ Khanh nói.
Virus sởi có thể có trong vùng họng người bệnh, lây bệnh từ trước khi phát ban 1-2 ngày. Bệnh rất dễ lây lan, phát tán từ người sang người qua giọt bắn khi nói chuyện trực tiếp hoặc tiếp xúc với các đồ vật chứa giọt bắn.
Trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là nhóm dễ bị tấn công đầu tiên của bệnh sởi và trở thành "cầu nối" lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ hai mũi.
Các chuyên gia cho rằng muốn không có dịch sởi, tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với hai liều vaccine. Hai năm qua, nguồn cung vaccine miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường gián đoạn, khiến tỷ lệ bao phủ vaccine thấp. Điều này khiến số ca mắc tại TP HCM tăng cao thời gian qua, UBND phải công bố dịch sởi hôm 27/8, đang triển khai chiến dịch tiêm vaccine để nâng miễn dịch cộng đồng.
Khi trẻ mắc bệnh sởi, phụ huynh cần cách ly trẻ, bởi khi ho sẽ phát tán virus rất nhiều. Bệnh khiến trẻ rất mệt mỏi, biếng ăn, cần theo dõi sát việc ăn uống. Không kiêng ăn, kiêng uống, kiêng tắm, kiêng gió theo dân gian truyền miệng. Việc kiêng khem càng khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, còi cọc, để lại hậu quả đến sự phát triển thể chất, vóc dáng tương lai.
Theo dõi sát các triệu chứng. Nếu trẻ sốt cao khó hạ, ho đến khó thở, thở nhanh, tiêu ra máu, phải đi viện ngay. Trẻ xuất hiện triệu chứng co giật hôn mê thì khả năng biến chứng lên não, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Lê Phương