Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải, tổng sản lượng thi công của 12 dự án cao tốc đã đạt 45.071 tỷ đồng, tương đương 46% tổng mức đầu tư.
7 dự án thành phần có thể hoàn thành tuyến chính đúng dịp 30/4/2025, vượt tiến độ yêu cầu từ 3 đến 6 tháng. Đó là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Các dự án đang có sản lượng thực hiện đạt trên 50% gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Vân Phong - Nha Trang. Riêng dự án Vũng Áng - Bùng đạt 62%, Vân Phong - Nha Trang đạt 67% giá trị hợp đồng.
Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên, Khánh Hòa) đạt khoảng 46% giá trị hợp đồng. Trong đó, hạng mục hầm đường bộ Tuy An dài hơn 1 km gặp địa chất yếu, đá phong hóa, cát chảy nhiều, khác hoàn toàn khảo sát thiết kế ban đầu. Vì vậy nhà thầu bị phát sinh chi phí xử lý và kéo dài thời gian thi công.
Riêng dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đạt khối lượng khoảng 40%, tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian qua còn thiếu hụt về vật liệu đắp, chậm giải phóng mặt bằng.
Thi công cầu cạn trên cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Huy Phong
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), dự án Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát. Hiện đã xác định nguồn cung và được các địa phương xác nhận đủ điều kiện khai thác 22,3 triệu m3. Tỉnh An Giang đang hoàn tất thủ tục điều chuyển 1,4 triệu m3 cát từ dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho dự án. Tỉnh Vĩnh Long cũng đang hoàn tất thủ tục cấp ba mỏ cát với trữ lượng 0,8 triệu m3. Còn tỉnh Bến Tre đã giới thiệu hai mỏ cát cho dự án để thực hiện khảo sát.
Đến nay, nguồn vật liệu đã cơ bản được tháo gỡ, dần đưa cát về công trường. Các nhà thầu huy động máy móc thiết bị, tăng cường gia tải 110 km tuyến chính vào cuối năm nay.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết các địa phương có mỏ vật liệu khu vực phía Nam đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu đắp, mỏ đá, ưu tiên trước cho dự án Cần Thơ - Cà Mau. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành thủ tục, đưa các mỏ vào khai thác cuối tháng 8, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo chỉ tiêu đã được giao.
Tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên, Khánh Hòa). Ảnh: Phương Linh
Tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp đang gấp rút hoàn thành thủ tục khai thác mỏ, nâng công suất mỏ để cung ứng cho các dự án theo đúng cam kết. Tỉnh An Giang điều phối khối lượng cát đã cấp cho các nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang dự án Cần Thơ - Cà Mau.
Đến nay, 12 dự án cao tốc Bắc Nam đã được các địa phương bàn giao 99% mặt bằng thi công, đạt khoảng 719/721 km. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, nhiều trụ điện, đường dây điện trên nhiều đoạn cao tốc vẫn chưa được di dời, ảnh hưởng thi công nền đường.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với địa phương sớm tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án, nhất là các đoạn Cần Thơ - Cà Mau; các nhà thầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp.
Quy mô 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Đồ họa: Tạ Lư - Đoàn Loan
12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021-2025) được khởi công ngày 1/1/2023, với tổng vốn 146.990 tỷ đồng, dài 729 km. Dự án cao tốc Bắc Nam được chia làm 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh thành phố. Các dự án được đầu tư quy mô phân kỳ với bề rộng nền đường 17 m, 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/h.
Các dự án thành phần dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác vào 2026, nối liền toàn trục cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.