Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản hôm 17/9 cho biết số người trên 100 tuổi ở nước này hiện là 95.119, tăng thêm 2.980 người so với một năm trước đó. Các cụ bà chiếm 88% trong số này, tương đương 83.958 người.
Nhật Bản có 153 người trên 100 tuổi vào năm 1953, thời điểm nước này bắt đầu thống kê số liệu. Con số tăng lên 1.000 vào năm 1981, 10.000 vào năm 1998, 50.000 vào năm 2012 và 90.000 năm 2022. Tỷ lệ người trên 100 tuổi ở Nhật Bản hiện là 76,49 trên mỗi 100.000 dân.
Tỷ lệ người cao tuổi ở Shimane cao nhất trong 47 tỉnh của cả nước, đạt mức 159,54 trên mỗi 100.000 dân, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp tỉnh này đứng đầu bảng xếp hạng. Tiếp theo là Kochi và Kagoshima với tỷ lệ lần lượt là 154,2 và 130,73 người cao tuổi trên mỗi 100.000 dân.
Người già Nhật Bản tập thể dục trong công viên ở Tokyo tháng 10/2022. Ảnh: AFP
Tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận ở Saitama với 45,81, tiếp theo là Aichi và Chiba.
Người phụ nữ lớn tuổi nhất Nhật Bản là cụ Tomiko Itooka, 116 tuổi, đang sống ở thành phố Ashiya thuộc tỉnh Hyogo. Người đàn ông lớn tuổi nhất là cụ Kiyotaka Mizuno, 110 tuổi, hiện sống tại Iwata, tỉnh Shizuoka.
Số người bước sang tuổi 100 trong năm tài khóa 2024, kéo dài đến tháng 3/2025, sẽ là 47.888. Họ sẽ nhận được thư chúc mừng và một chiếc cúp bạc.
Những thống kê này càng cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra tại Nhật Bản, khi dân số già hóa nhanh chóng. Tính đến ngày 15/9, số người trên 65 tuổi ở nước này là 36,25 triệu người, tương đương 29,3% dân số và cũng là mức cao kỷ lục. Dân số Nhật Bản hiện là 124 triệu người, giảm 595.000 người so với năm trước.
Huyền Lê (Theo Japan Times, Asahi, AFP)