Những vụ ám sát ứng viên, tổng thống trong lịch sử Mỹ

16/09/2024
|
0 lượt xem
Thế Giới Tư Liệu
Những vụ ám sát ứng viên, tổng thống trong lịch sử Mỹ

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/7 bị nhắm bắn khi đang phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Butler, bang Pennsylvania. Nghi phạm đã nổ nhiều phát súng, khiến ông Trump bị đạn sượt qua tai.

Nghi phạm là Thomas Matthew Crooks, 20 tuổi, đến từ khu Bethel Park, Pennsylvania, bị lính bắn tỉa của mật vụ Mỹ hạ tại hiện trường. Crooks hành động một mình và không có dấu hiệu nào cho thấy nghi phạm có vấn đề về tâm thần. Giới chức cho đến nay chưa xác định được động cơ rõ ràng của nghi phạm.

Ngày 15/9, Trump tiếp tục là mục tiêu của một âm mưu ám sát, diễn ra khi ông đang chơi golf tại sân golf ở West Palm Beach, Florida cách không xa dinh thự Mar-a-Lago. Mật vụ phát hiện "nòng súng nhô ra khỏi hàng rào" cách Trump khoảng 275-460 m và lập tức bắn ít nhất 4 phát về phía nghi phạm. Các mật vụ cũng lao vào che chắn cho Trump.

Giới chức không xác nhận liệu kẻ tấn công có nổ súng về phía cựu tổng thống hay không. Nghi phạm để lại một khẩu súng trường tấn công kiểu AK-47 và các vật dụng khác tại hiện trường rồi chạy trốn bằng xe nhưng sau đó đã bị bắt. Ông Trump trấn an người ủng hộ, khẳng định ông an toàn.

Truyền thông Mỹ đưa tin nghi phạm là Ryan Wesley Routh, 58 tuổi, đến từ bang Hawaii. Routh ủng hộ đảng Dân chủ và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Routh từng bị bắt với các tội danh như tàng trữ ma túy, lái xe mà không có bằng, điều khiển phương tiện hết hạn đăng kiểm và không có bảo hiểm.

Cựu tổng thống Donald Trump giơ nắm tay sau khi bị ám sát hụt tại Butler, bang Pennsylvania ngày 13/7. Ảnh: AP

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ ghi nhận hơn 10 cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào tổng thống, tổng thống đắc cử và ứng viên, trong đó 5 vụ dẫn đến tử vong.

Những người thiệt mạng

Mỹ từng mất 4 lãnh đạo vì những âm mưu ám sát. Abraham Lincoln bị bắn vào gáy ở Nhà hát Ford, Washington, ngày 14/4/1865. Hung thủ là John Wilkes Booth, nam diễn viên trong vở kịch tại nhà hát. Booth tháo chạy khỏi hiện trường và bị bắn chết ở bang Virginia sau đó 12 ngày.

Vụ ám sát diễn ra vào cuối Nội chiến Mỹ, diễn ra giữa Liên bang miền Bắc với Liên minh miền Nam. Booth ủng hộ Liên minh miền Nam và muốn sát hại ba quan chức quan trọng nhất của Liên bang miền Bắc, gồm ông Lincoln, phó tổng thống Andrew Johnson và ngoại trưởng William H. Seward.

Tháng 7/1881, Tổng thống James Garfield trọng thương vì trúng đạn tại ga tàu ở Washington. Garfield qua đời tháng 9 cùng năm tại New Jersey còn hung thủ Charles Guiteau lĩnh án tử hình và bị treo cổ năm 1882.

Guiteau tự nhận mình có công giúp ông Garfield đắc cử và muốn được tham gia chính quyền nhưng bất thành. Guiteau đã bám theo Garfield nhiều tuần trước khi gây án.

Tổng thống William McKinley bị bắn ngày 6/9/1901 tại một triển lãm ở New York, khi bắt tay đội ngũ lễ tân. Hung thủ là Leon Czolgosz, theo chủ nghĩa vô chính phủ. Khi chuẩn bị được bắt tay, Czolgosz đã rút súng ra bắn hai phát, một viên đạn sượt qua, viên thứ hai găm vào bụng McKinley.

Tổng thống McKinley ban đầu có dấu hiệu bình phục, nhưng vết thương hoại tử. Ông qua đời sau vụ ám sát 8 ngày. Czolgosz bị tử hình bằng ghế điện. Khi nói lời cuối, Czolgosz cho biết mình "ám sát tổng thống vì ông ta là kẻ thù của người tốt, những người lao động tốt".

Ngày 22/11/1963, tổng thống John F. Kennedy bị ám sát khi đoàn xe của ông di chuyển qua thành phố Dallas, bang Texas. Ông Kennedy, ngồi trên xe limousine mui trần cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, trúng hai viên đạn, một ở lưng và một ở phía bên phải sau đầu, qua đời tại bệnh viện.

Nghi phạm được xác định là cựu lính thủy đánh bộ Lee Harvey Oswald. Jack Ruby, chủ một quán bar cảnh sát thường lui tới, đã bắn chết Oswald khi cảnh sát đang áp giải anh ta tại tầng hầm sở cảnh sát Dallas. Ruby khai anh ra tay để giúp bà Jacqueline không phải làm chứng tại phiên tòa xử Oswald.

Ruby lĩnh án tử hình ngày 14/3/1964. Tháng 10/1966, tòa phúc thẩm Texas đã đảo ngược bản án, song Ruby đã chết vào ngày 3/1/1967. Ủy ban do một thẩm phán Tòa án Tối cao phụ trách kết luận Oswald hành động đơn độc. Giới chức không kết luận động cơ của nghi phạm này.

Năm 1968, thượng nghị sĩ New York Robert F. Kennedy, em trai của cố tổng thống John F. Kennedy, qua đời sau bị bắn tại khách sạn ở Los Angeles, bang California tối 6/6, cùng ngày ông nhận đề cử từ đảng Dân chủ. Tòa án kết luận Sirhan Sirhan, 24 tuổi, người Palestine nhập cư Mỹ, là hung thủ và tuyên án tử hình. Bản án sau đó chuyển thành tù chung thân.

Giới chức không xác định rõ động cơ của Sirhan, nhưng nghi phạm này căm ghét phương Tây vì hỗ trợ Israel. Sirhan vẫn đang ngồi tù ở California, gần đây xin ân xá nhưng không được chấp thuận.

Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy ngồi trên xe mui trần tại Dallas, Texas, ngày 22/11/1963, ngay trước vụ ám sát. Ảnh: Bettmann Archive.

Thoát chết

Tương tự ông Trump, cựu tổng thống Theodore Roosevelt cũng bị ám sát khi tái tranh cử. Ngày 14/10/1912 tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin, Roosevelt rời khách sạn và di chuyển đến nơi tổ chức vận động. Người đàn ông tên John Schrank đã tiếp cận và bắn ông Roosevelt.

Ông Roosevelt thoát chết nhờ hộp kính bằng kim loại và tập tài liệu phát biểu dày 50 trang được gấp đôi, đồng nghĩa tạo ra lớp cản dày 100 trang, để trong túi. Tuy nhiên, viên đạn vẫn găm vào ngực ông, tạo ra vết thương to bằng đồng xu, máu thấm ra áo.

Trợ lý muốn đưa Roosevelt đến bệnh viện nhưng ông kiên quyết đến sự kiện vận động, và có một trong những phát biểu ấn tượng nhất lịch sử tranh cử. "Tôi không rõ các bạn có biết tôi vừa bị bắn hay không", ông Roosevelt nói với đám đông. "Nhưng muốn hạ một con nai sừng tấm thì phải cần nhiều hơn vậy!". Nai sừng tấm là biểu tượng đảng Tiến bộ do ông Roosevelt lập ra.

Tòa án kết luận Schrank có vấn đề về tâm thần và đưa nghi phạm vào một bệnh viện dành cho loại tội phạm này.

Năm 1933, tổng thống đắc cử Franklin D. Roosevelt bị nhắm bắn khi phát biểu tại Miami, bang Florida, 17 ngày trước khi tuyên thệ nhậm chức. Nghi phạm Guiseppe Zangara bắn trượt ông Roosevelt, nhưng khiến thị trưởng Chicago Anton Cermak thiệt mạng và 5 người khác bị thương. Zangara bị tử hình bằng ghế điện.

Hành động cực đoan của Zangara phản ánh sự tức giận và thất vọng của nhiều người Mỹ làm việc với mức lương rất thấp trong thời kỳ Đại suy thoái. "Tôi không ghét ông Roosevelt về mặt cá nhân, Tôi ghét tất cả quan chức và bất cứ ai giàu có", Zangara nói.

Tổng thống Harry Truman bị hai người đàn ông Puerto Rico là Oscar Collazo và Griselio Torresola tìm cách ám sát năm 1950. Nhà Trắng khi đó đang trong quá trình cải tạo. Ông Truman ở tại nhà khách Blair House, đối diện Nhà Trắng.

Collazo và Torresola là hai nhà hoạt động chính trị, thành viên đảng Dân tộc Puerto Rico cực đoan, nhóm đấu tranh giành độc lập cho Puerto Rico. Họ muốn ám sát tổng thống Mỹ để khiến công chúng chú ý đến mục đích của mình.

Torresola bị hạ khi đấu súng với lực lượng an ninh. Collazo bị thương, lĩnh án tử hình. Tên này được ông Truman ân xá xuống án chung thân và được tổng thống Jimmy Carter trả tự do năm 1979. Collazo qua đời năm 1994 tại Puerto Rico.

Năm 1972, thống đốc bang Alabama George Wallace, người có quan điểm phân biệt chủng tộc và nhiều lần tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên Dân chủ và độc lập, bị bắn tại sự kiện vận động ở ngoại ô thủ đô Washington. Wallace thoát chết nhưng bị liệt từ thắt lưng trở xuống.

Nghi phạm là Arthur Bremer, đề cập mong muốn sát hại ông Wallace hoặc Richard Nixon trong nhật ký, động cơ được cho là vì tiếng tăm. Bremer lĩnh án tù và được trả tự do năm 2007.

Năm 1975, tổng thống Gerald Ford đối mặt hai âm mưu ám sát bất thành. Vụ đầu tiên xảy ra ngày 5/9 khi ông Ford tản bộ ở Sacramento, bang California. Nghi phạm Lynette Fromme rút súng nhắm bắn ông Ford nhưng bị mật vụ khống chế. Fromme khai muốn ông Ford chú ý đến tình trạng cây gỗ đỏ ở bang này và muốn có được sự công nhận từ một thủ lĩnh giáo phái mà bà bị ám ảnh. Fromme lĩnh án tù và được trả tự do năm 2009.

Vụ ám sát thứ hai do Sara Jane Moore thực hiện ngày 22/9 ngoài một khách sạn ở San Francisco. Moore muốn ám sát Ford để "châm ngòi một cuộc bạo lực" ở Mỹ. Moore bắn trượt phát đầu tiên, sau đó bị người qua đường khống chế. Moore được trả tự do sau 32 năm ngồi tù, thừa nhận bị mù quáng bởi quan điểm chính trị cực đoan.

Cảnh hỗn loạn bên ngoài khách sạn Hilton khi ông Ronald Reagan bị ám sát ngày 30/3/1981. Ảnh: Ronald Reagan Library

Tổng thống Ronald Reagan bị bắn năm 1981 bên ngoài khách sạn Hilton, Washington. Reagan bị gãy xương sườn, thủng phổi và xuất huyết nội. Ông được cấp cứu và bình phục, đắc cử nhiệm kỳ hai năm 1984.

Nghi phạm John Hinckley bị rối loạn tâm thần cấp tính, cho rằng mình sẽ được nữ diễn viên Jodie Foster chú ý nếu bắn Reagan. Hinckley được tuyên vô tội vì mất trí, bị giam trong bệnh viện tâm thần ở Washington và được trả tự do năm 2022.

Trong phòng phẫu thuật vào phút giây sinh tử, ông Reagan đã tháo mặt nạ dưỡng khí để đùa với y bác sĩ rằng: "Tôi hy vọng các bạn đều là đảng viên Cộng hòa". Các nhân viên y tế cười lớn và bác sĩ Joseph Giordano, đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa tự do, trả lời: "Thưa Tổng thống, hôm nay tất cả chúng tôi đều là đảng viên Cộng hòa".

Như Tâm (Theo CNN, Sky News)

Tin liên quan
Tin Nổi bật