Nửa cuối năm, Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu phục vụ Giáng sinh, năm mới. Để áp ứng yêu cầu sản xuất, nhà máy phải cần thêm ít nhất 100 lao động. Tuy nhiên, nhà máy gặp nhiều khó khăn khi kiếm người.
Công nhân nhà máy May Song Ngọc trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng hành chính nhân sự công ty, nói thu nhập của lao động không thấp, mức bình quân hiện nay của công nhân trực tiếp sản xuất là 11,5 triệu đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp không hạn chế tuổi, sẵn sàng nhận ứng viên ngoài 40-45 miễn đảm bảo sức khỏe, đáp ứng công việc. Để thu hút ứng viên, công ty tăng thêm có thêm chính sách hỗ trợ cho người mới như trong hai tháng lương đầu tiên sẽ nhận thêm tổng 6 triệu đồng. Nhân viên giới thiệu người mới được thưởng một triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc kiếm người không hề dễ dàng. Năm 2024, công ty có kế hoạch mở rộng thêm 4 chuyền sản xuất. Đầu năm, nhà máy đã mở thành công hai chuyền tuy nhiên hai chuyền mở nửa cuối năm phải giải thể vì không có công nhân làm việc. Tiếp xúc nhiều ứng viên, ông Sơn nhận thấy lao động trẻ không muốn vào ngành may. Công nhân ở các nhà máy giải thể vốn nhận lương thời gian tăng theo thâm niên giờ không muốn bắt đầu với lương sản phẩm hoặc chỉ muốn làm thời vụ để hưởng trợ cấp thất nghiệp...
Nhiều năm làm công tác tuyển dụng, ông Sơn nói đây là lần đầu tiên bản thân không hoàn thành nhiệm vụ tuyển đủ nhân sự cho kế hoạch sản xuất. Lao động trẻ không muốn vào ngành may. Công nhân ở các nhà máy giải thể vốn nhận lương thời gian tăng theo thâm niên giờ không muốn bắt đầu với lương sản phẩm hoặc chỉ muốn làm thời vụ để hưởng trợ cấp thất nghiệp... Hiện công ty tính một số phương án sản xuất để đảm bảo được tiến độ sản xuất, hoàn thành đơn hàng.
Tương tự, nhiều tháng qua Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) hoạt động lĩnh vực da giày, cần tuyển hơn 2.000 công nhân để đáp ứng kế hoạch sản xuất, đặc biệt vào dịp cuối năm khi đơn hàng tăng. Tuy nhiên, dù sử dụng nhiều kênh, doanh nghiệp mới tuyển được một nửa nhu cầu.
"Nhà máy đang cần 1.000 công nhân", bà Bà Đặng Hồng Liên, Trưởng phòng nhân sự Công ty Pouyuen nói, thêm rằng so với quy mô doanh nghiệp gần 40.000 lao động thì nhu cầu hơn nghìn người không nhiều nhưng trong bối cảnh thị trường hiện nay thì đây là một thách thức.
Để tiếp cận ứng viên, bộ phận tuyển dụng tìm đến các hội nhóm công nhân, thưởng khuyến khích cho cán bộ công nhân viên giới thiệu người. Nhà máy cũng liên hệ những lao động cũ, nhóm từng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng ở những đợt giảm lao động trước để mời trở lại làm việc. Khó tìm được lao động ở TP HCM, công ty cũng tập trung vào các địa phương có tuyến xe đưa đón...
"Không chỉ tìm lao động cho đơn hàng mới, chúng tôi còn phải tuyển dự trù cho nhóm lao động sẽ nghỉ việc sau Tết nguyên đán", bà Liên nói. Theo bà, nhiều năm qua, cứ sau Tết sẽ có khoảng 1.000-2.000 lao động nghỉ Tết rồi không quay trở lại.
Công nhân công ty Pouyuen, quận Bình Tân sau giờ làm. Ảnh: Quỳnh Trần
Không chỉ May Song Ngọc, nhà máy Pouyuen, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM có đơn hàng cuối năm nhưng gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố, cho biết chỉ riêng kênh tiếp nhận thông tin của trung tâm, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn cần hơn 80.000 lao động. Tuy vậy việc tìm người không hề dễ dàng.
Tương tự, ghi nhận của chuyên trang tuyển dụng Việc làm tốt nhu cầu tuyển dụng lao động của nhóm ngành tài xế, kho vận, công nhân, xây dựng, bất động sản tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, có đến 85% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn khi tuyển lao động. Khảo sát của Việc làm tốt cho kết quả 30% doanh nghiệp chỉ tuyển được một nửa nhân lực so với nhu cầu và chỉ 15% nhà máy tuyển đủ.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt, cho rằng một số ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng trở lại nhưng thách thức lúc này nhân công. Nếu chỉ nhìn số liệu thì lực lượng lao động hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Cụ thể, số liệu của Tổng cục thống kê hiện có hơn 1,06 triệu lao động trong độ tuổi không có hoặc thiếu việc làm trong khi doanh nghiệp cần chưa đến 840.000 người.
"Câu trả lời nhà tuyển dụng hay nhận được khi gọi điện cho ứng viên là bận, khi khác gọi lại hoặc đã tìm được việc. Ứng tuyển dạo gây nên nỗi đau cho doanh nghiệp trong giai đoạn này", bà Ngọc nói.
Để ứng phó với những đơn hàng tăng đột xuất như dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sớm. Theo kế hoạch sản xuất, từ giữa tháng 10, Công ty May mặc Dony (quận Bình Tân), sẽ vào cao điểm sản xuất để hoàn thành các đơn hàng trước Tết nguyên đán. Các đơn hàng này được xuất đi Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, dự kiến nhà máy cần thêm 300 công nhân sản xuất trực tiếp để đảm bảo kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, nhà máy không gặp khó khăn do xây dựng chiến lược nhân sự linh hoạt, phù hợp bối cảnh đơn hàng lên xuống thất thường.
Công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhiều năm qua, doanh nghiệp chú trọng vào nhóm công nhân cơ hữu, làm việc chính thức và luôn có ý thức giữ chân nhóm này để làm nòng cốt. Khi có đơn hàng đột biến như dịp cuối năm, nhà máy liên kết đơn vị cung ứng nhân lực. Tiền lương được trả ngang như công nhân tay nghề làm lâu năm ở công ty kèm các khoản bảo hiểm đầy đủ. Mức lương bình quân trong 8 giờ làm việc là 320.000-400.000 đồng.
"Chúng tôi trả lương cao và đi kèm với đó là yêu cầu các nhà cung ứng đưa đến nhà máy lao động có tay nghề để đảm bảo chất lượng may", ông Quang Anh nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc PPJ Group, cho biết đơn hàng may mặc cuối năm của doanh nghiệp ổn và tăng trưởng tốt hơn so cùng kỳ. Tuy nhiên, nhà máy không bị động về nhân công. Xác định cuối năm kiếm người khó khăn do lao động ít nhảy việc nên công ty chủ động tuyển dụng từ đầu năm, ngay cả khi đơn hàng xuống thấp.
"Nhân lực ngành may ngày càng hiếm, lao động trẻ không muốn vào ngành may nên doanh nghiệp muốn ổn định phải có kế hoạch giữ chân lâu dài", bà Liên nói.
Lê Tuyết