Chính quyền Biden cho biết sẽ đề xuất quy định mới nhằm hạn chế số lượng các lô hàng có giá trị thấp nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu thuế theo quy định "de minimis".
Quy định miễn trừ "de minimis" là một phần của Luật Thương mại Mỹ từ năm 1930, nhằm tạo điều kiện cho các du khách cá nhân. Ngưỡng miễn trừ thuế được nâng từ 200 USD lên 800 USD vào năm 2015 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm những người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như eBay.
Các gói hàng dưới ngưỡng này không chỉ được miễn thuế mà còn ít bị kiểm tra hải quan hơn, miễn là chúng được gửi tới địa chỉ cư trú cá nhân. Số lượng gói hàng dưới ngưỡng 800 USD đã tăng vọt lên hơn một tỷ gói vào năm ngoái, so với khoảng 140 triệu gói vào một thập kỷ trước.
Logo Temu trên một mà hình điện thoại chụp vào 26/4/2023. Ảnh: Reuters
Trong đó, Shein và Temu chiếm 30% tổng số lô hàng "de minimis", theo ước tính công bố năm ngoái bởi Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc. "Nguồn lớn của lượng hàng này đến từ Shein và Temu. Chúng tôi rất lo ngại về việc các công ty nước ngoài lớn sử dụng lỗ hổng này với quy mô và số lượng như vậy, đến mức có thể xem là lạm dụng", một quan chức Nhà Trắng nói với Reuters.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, người lao động và doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh sòng phẳng, nhưng các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc "đã né tránh thuế quan bằng cách lạm dụng quy định miễn trừ de minimis thời gian dài".
Chính quyền Biden dự kiến đề xuất các quy tắc mới, áp dụng với hàng may mặc được đặt mua từ Shein và Temu. Cùng với đó, các lô hàng dưới ngưỡng chịu thuế cần cung cấp thêm thông tin, nhằm giúp Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ nhận diện tốt hơn các sản phẩm bất hợp pháp hoặc không an toàn.
Nhà Trắng kêu gọi Quốc hội thông qua luật này trong năm nay "để bảo vệ người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp Mỹ hơn nữa". Cách đây ít hôm, các nhà lập pháp đảng Dân chủ kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng quyền hành pháp để loại bỏ quy định de minimis, gọi đây là một "lỗ hổng" cho phép hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trốn thuế.
Temu cho biết mô hình kinh doanh của họ không dựa vào chính sách de minimis mà thay vào đó là "cắt bỏ những khâu trung gian không cần thiết" để giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí. "Chúng tôi đang xem xét các đề xuất về quy tắc mới và vẫn cam kết mang lại giá trị cho người tiêu dùng", Phát ngôn viên của Temu nói. Shein thì cho biết việc tuân thủ quy định nhập khẩu là ưu tiên hàng đầu, bao gồm các yêu cầu báo cáo theo luật của Mỹ liên quan đến de minimis.
Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng - nhóm nghiên cứu và vận động cho các nhà sản xuất và chế tạo trong nước - khen ngợi động thái của Nhà Trắng. Theo họ, đây là bước tiến để hạn chế dòng hàng hóa được giao dịch không công bằng, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhóm này đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng lỗ hổng de minimis để đưa hàng nhập khẩu tràn ngập nước này.
"Lỗ hổng de minimis biến nó này thành trò cười khi cho phép tình trạng hỗn loạn thương mại với 4 triệu gói hàng mỗi ngày được gửi bởi các nhà cung cấp không rõ danh tính và không thể truy vết", Michael Stumo, CEO của liên minh bình luận.
Hiện chưa rõ đề xuất của Nhà Trắng sẽ được thực thi nhanh chóng thế nào vì cần thời gian lấy ý kiến công chúng trước khi chính thức hóa.
Phiên An (theo Reuters, Nikkei)