Ba quan chức Mỹ giấu tên ngày 3/9 cho biết Tên lửa Hành trình Không đối đất Tầm xa Liên quân (JASSM) AGM-158 sẽ có trong gói vũ khí viện trợ cho Ukraine được công bố vào mùa thu năm nay, song Washington chưa đưa ra quyết định chính thức.
Các quan chức này cho biết tiến trình chuyển giao tên lửa JASSM AGM-158 có thể mất vài tháng, do Mỹ phải giải quyết một số vấn đề kỹ thuật. Họ kỳ vọng tên lửa JASSM sẽ thay đổi đáng kể cục diện chiến trường, khi đưa nhiều vùng lãnh thổ của Nga vào tầm bắn của loại đạn dẫn đường chính xác có hỏa lực mạnh hơn.
Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Tên lửa JASSM được phát triển năm 1995-1998, có mặt trong biên chế quân đội Mỹ từ năm 2003. Biến thể AGM-158A trị giá 698.000 USD, có tầm bắn 370 km và mang được đầu đạn 450 kg. Biến thể tăng tầm AGM-158B có tầm bắn lên tới gần 930 km.
Tên lửa JASSM trong ảnh công bố tháng 12/2010. Ảnh: USAF
Tới nay chỉ có máy bay do Mỹ sản xuất lắp được JASSM, trong đó có mẫu tiêm kích F-16 mà Ukraine mới tiếp nhận. Một số mẫu máy bay khác có thể phóng tên lửa này là tiêm kích F-15E, F/A-18, oanh tạc cơ B-1, B-2 và B-52, vận tải cơ C-130 và C-7.
Một quan chức Mỹ cho biết nước này từng cố gắng tích hợp tên lửa JASSM lên máy bay quân sự chuẩn Liên Xô mà Ukraine sở hữu, song không cung cấp chủng loại cụ thể và kết quả của chương trình. Ukraine đang vận hành tiêm kích MiG-29, Su-27 và cường kích Su-24 thừa hưởng từ Liên Xô.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định JASSM, với khả năng tàng hình và tầm bắn xa hơn hầu hết tên lửa Ukraine đang sở hữu, có thể buộc Nga phải bố trí điểm tập kết và kho hậu cần lùi xa hơn hàng trăm km. Điều này sẽ làm phức tạp khả năng duy trì chiến dịch của Nga, mang lại cho Ukraine lợi thế chiến lược.
Ukraine đang cần thêm nhiều vũ khí có hỏa lực mạnh hơn khi quân đội nước này tiếp tục đối mặt áp lực dữ dội từ lực lượng Nga dọc theo mặt trận ở vùng Donbass.
Một quan chức quốc hội Mỹ nhận định cung cấp JASSM cho Ukraine có thể gây thêm sức ép buộc nước này phải dỡ bỏ hạn chế về cách dùng vũ khí họ viện trợ. Người này cho biết tác dụng của tên lửa JASSM sẽ bị giảm nếu Ukraine không được dùng chúng tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Mỹ nhiều lần miễn cưỡng cung cấp vũ khí có thể tấn công vào mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga cho Ukraine, do Washington lo ngại chúng làm leo thang xung đột.
Một số quốc gia phương Tây cũng hạn chế cách thức và thời điểm Ukraine dùng vũ khí họ viện trợ tấn công lãnh thổ Nga vì sợ điều này khiến NATO bị kéo vào xung đột hoặc làm bùng phát chiến tranh hạt nhân.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)