Lý do ăn nhiều nhưng không thấy no

21/12/2024
|
0 lượt xem
Sống Khỏe Sức Khỏe
Lý do ăn nhiều nhưng không thấy no

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết nhiều người, nhất là người béo, thường gặp khó khăn trong việc có cảm giác no và sự thỏa mãn khi ăn, do một số nguyên nhân, như sau:

Kháng leptin

Leptin là một hormone được sản xuất bởi mô mỡ, vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm giác no và tiêu thụ năng lượng. Người béo phì thường có mức độ kháng leptin cao, tức cơ thể không phản ứng tốt với tín hiệu leptin và không cảm nhận được cảm giác no một cách đầy đủ, dẫn đến khả năng tiêu thụ lượng thức ăn lớn hơn mà không đạt được cảm giác no và sự thỏa mãn.

Yếu tố hormone

Ngoài leptin, nhiều hormone khác trong cơ thể cũng liên quan đến quá trình cảm giác no và sự thỏa mãn sau khi ăn, bao gồm hormone ghrelin được sản xuất trong dạ dày, tác dụng kích thích cảm giác đói. Người béo có thể có sự tăng ghrelin và giảm độ nhạy cảm của cơ thể đối với tín hiệu no từ hormone này.

Kích thích thần kinh

Thức ăn giàu calo, đặc biệt là thức ăn chứa đường và chất béo, kích thích hệ thống thần kinh, gây hứng thú và ham muốn ăn tiếp. Các loại thức ăn này có thể kích hoạt các vùng trong não liên quan sự thưởng thức và đáp ứng đối với thức ăn, góp phần vào sự khó khăn trong việc kiểm soát cảm giác no, thỏa mãn.

Chế độ ăn không cân đối

Một chế độ ăn không cân đối, đặc biệt là giàu calo, chất béo và đường, làm giảm độ nhạy cảm của cơ thể đối với tín hiệu no, dẫn đến việc cảm thấy còn đói và không thỏa mãn dù đã ăn một lượng lớn.

Các yếu tố tâm lý

Tình trạng tâm lý như căng thẳng, áp lực, trầm cảm hay lo lắng cũng có thể gây ra sự ăn quá mức. Khi người béo phì sử dụng thức ăn như một phương thức xoa dịu cảm xúc, họ có thể không có cảm giác no và thỏa mãn thực sự khi ăn.

Khả năng chịu đựng của hệ thống belly fat

Hệ thống belly fat - nhóm mô có cấu tạo gốc lipid (chất béo) hay còn được gọi là mô mỡ ở bụng, chủ yếu sản xuất các chất gọi là adipokin, bao gồm adiponectin và resistin. Chúng có vai trò điều chỉnh quá trình chuyển hóa năng lượng và cảm giác no. Mức độ adipokin trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến cảm giác no và sự thỏa mãn sau khi ăn.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Để giải quyết, bạn cần tạo ra một chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh, tập trung vào việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng, bao gồm nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và nguồn protein lành mạnh. Hạn chế thức ăn chứa đường và chất béo không lành mạnh.

Đặc biệt, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như các loại rau, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt giúp giữ nước trong dạ dày, tạo ra cảm giác no và giúp điều chỉnh quá trình tiêu hóa. Thay vì ăn ít bữa lớn, chia nhỏ khẩu phần, ăn một cách chậm rãi, điều này tránh việc quá tải dạ dày.

Tăng cường hoạt động thể chất và tập luyện đều đặn với các bài tập như đi bộ, chạy, bơi lội hoặc tham gia các lớp thể dục để duy trì sự chuyển động, tạo ra sự thỏa mãn từ hoạt động, giúp cơ thể sản xuất hormone, tăng cảm giác no và sự thỏa mãn sau khi ăn. Nên áp dụng các phương pháp giảm căng thẳng như yoga, thiền định... để quản lý cảm xúc, tránh dùng thức ăn như một phương pháp xoa dịu cảm xúc.

Cuối cùng, theo dõi cảm giác no và sự thỏa mãn sau mỗi bữa ăn bằng cách tự quan sát và ghi chép để bản thân nhận ra mẫu ăn uống của mình; tìm hiểu cách điều chỉnh để có cảm giác no và thỏa mãn tốt hơn sau khi ăn.

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc nhóm những người cùng chung mục tiêu và trao đổi kinh nghiệm.

Thúy Quỳnh

Tin liên quan
Tin Nổi bật