Chưa thể kết thúc vụ 15 năm tranh chấp một bức tường

12/09/2024
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Chưa thể kết thúc vụ 15 năm tranh chấp một bức tường

Ngày 12/9, xử phúc thẩm lần ba, TAND TP HCM tuyên huỷ bản án sơ thẩm vụ tranh chấp không gian phần giáp ranh giữa nhà bà Phan và nhà ông Sơn; giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm (TAND quận 12) xét xử lại. Như vậy, sau quá trình tố tụng kéo dài 15 năm, trải qua 6 phiên xử, vụ án lại quay về "vạch xuất phát".

Theo HĐXX, để giải quyết triệt để vụ án, cần xác định được ranh đất giữa hai nhà; phần không gian sẽ được xác định theo chiều thẳng đứng từ ranh đất để biết có hay không bị lấn chiếm. Tòa sơ thẩm nhiều lần yêu cầu nguyên đơn cung cấp chứng cứ về việc xác định vị trí phần đất đang bị lấn chiếm, song bà Phan đề nghị căn cứ vào bản đồ hiện trạng căn nhà của bà.

Tuy nhiên, tài liệu này không phải là bản đồ xác định ranh đất, được đo trước thời điểm nhà bà Phan được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (2019) nên không có giá trị chứng cứ, không là cơ sở để giải quyết vụ án. Nguyên đơn cung cấp báo cáo kết quả kiểm định công trình của Công ty cổ phần kiểm định Xây dựng Sài Gòn làm căn cứ xác định ranh đất, nhưng chứng cứ này phía bị đơn không đồng ý vì công ty trên không có chức năng đo đạc địa chính.

Theo tòa, xác định ranh đất phải liên hệ Văn phòng đăng ký đất đai quận 12 hoặc cơ quan có thẩm quyền. Việc nguyên đơn không cung cấp chứng cứ đã làm kéo dài vụ án.

Hiện trạng bức tường và không gian tranh chấp giữa hai bên. Ảnh: Đương sự cung cấp

'Cuộc chiến' với hàng xóm

Năm 2009, vụ kiện xuất phát từ ông Sơn. Vợ chồng ông xây căn nhà trên đường Tô Ký, quận 12, xong phần thô, đến phần tô vách tường tiếp giáp với nhà bà Phan thì bị ngăn cản với lý do "xây lấn không gian" của họ.

Ông Sơn khởi kiện ra TAND quận 12, yêu cầu buộc gia đình bà Phan phải tạo điều kiện, không được ngăn cản ông sử dụng không gian phía trên để tô vách tường, hoàn thiện nhà của mình.

Bà Phan không đồng ý, cho rằng ông Sơn đã xây lấn chiếm không gian thuộc quyền sở hữu của gia đình bà. Hai nhà được ngăn cách bởi hàng rào xi măng, là ranh giới, và đã ký thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, ông Sơn đã xây dựng lấn trụ điện và không gian nhà của bà do phần đà đổ không đúng. Quá trình xây dựng, ông Sơn còn bẻ mái tôn của nhà bà ngược lên. Cột dẫn điện của gia đình bà hiện nằm trên phần ban công nhà nguyên đơn. Do đó, bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Sơn.

Ngoài ra, bà Phan cũng có đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn phải tháo dỡ công trình xây dựng lấn không gian, trong đó có cả trụ điện để trả lại phần không gian cho gia đình bà.

Vụ án được xét xử sơ thẩm lần đầu vào tháng 8/2010, đến tháng 11 năm đó TAND TP HCM xử phúc thẩm hủy án. Tháng 8/2018, TAND quận 12 xử sơ thẩm lần hai đã bác yêu cầu của ông Sơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn; tuyên vợ chồng ông Sơn phải tháo dỡ phần công trình đã lấn chiếm không gian, trong đó có cây cột điện nhà bị đơn. Tòa cũng buộc nguyên đơn phải hoàn trả cho bị đơn hơn 12 triệu đồng là chi phí thuê đơn vị kiểm định trong quá trình giải quyết vụ án.

Không đồng ý với phán quyết này, ông Sơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu TAND TP HCM xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm.

Tháng 4/2019, TAND TP HCM xử phúc thẩm lần hai đã chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND quận 12 do có nhiều sai sót, và không xác định ranh giới giữa hai nhà. Bản đồ hiện trạng do Trung tâm đo đạc bản đồ Sở Tài nguyên và Môi trường lập năm 2014 thể hiện nhà ông Sơn có phần nằm ngoài ranh theo giấy chứng nhận đã cấp. Tòa sơ thẩm không căn cứ vào ranh đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng cấp cho nguyên đơn để làm rõ các các vị trí xây dựng nằm ngoài ranh mà lại căn cứ vào kết quả kiểm định công trình của Công ty cổ phần kiểm định Xây dựng Sài Gòn (không có chức năng đo đạc địa chính) là "không có cơ sở pháp luật".

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ tuyên buộc vợ chồng ông Sơn tháo dỡ công trình xây dựng lấn không gian nhà bị đơn mà không xác định cụ thể vị trí, diện tích nào của công trình lấn. Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng như: chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, nhưng bị đơn chưa nộp đơn phản tố theo quy định; tòa cũng áp dụng sai căn cứ tính án phí cho đương sự.

Quá trình TAND quận 12 thụ lý giải quyết lại vụ án, năm 2022 ông Sơn rút đơn khởi kiện. Tòa sau đó ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Sơn. Lúc này vai trò tố tụng của các đương sự thay đổi, bà Phan và con trai trở thành nguyên đơn, còn ông Sơn là bị đơn.

Phía bà Phan giữ nguyên yêu cầu, buộc gia đình ông Sơn tháo dỡ công trình lấn không gian. Bà đề nghị tòa sử dụng kết quả thẩm định công trình của Công ty Cổ phần kiểm định Xây dựng Sài Gòn và bản vẽ hiện trạng của Trung tâm đo đạc bản đồ của Sở Tài nguyên và Môi trường lập để làm cơ sở giải quyết vụ án.

Quá trình giải quyết vụ án ông Sơn xin vắng mặt. Người bảo vệ quyền lợi ích của ông đề nghị tòa xử theo quy định của pháp luật.

Năm 2023, TAND quận 12 xử sơ thẩm lần 3, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Phan và con trai (trái ngược với phán quyết của bản án sơ thẩm lần 2) do họ không cung cấp được các chứng cứ chứng minh ông Sơn lấn chiếm không gian. Tòa đã nhiều lần yêu cầu và hướng dẫn phía bà Phan liên hệ với trung tâm đo đạc để xác định vị trí phần đất đang bị lấn chiếm nhưng nguyên đơn không thực hiện.

Bà Phan cho rằng việc này không cần thiết, đề nghị tòa căn cứ vào bản đồ hiện trạng căn nhà của ông Sơn nhưng tài liệu này không phải là bản đồ xác định ranh đất. Hơn nữa, bản đồ này được đo đạc trước thời điểm nhà nguyên đơn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (2019) nên không có giá trị chứng cứ.

Không đồng ý với phán quyết này, phía nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Trước phiên phúc thẩm, phía nguyên đơn đã thuê một công ty xây dựng khảo sát và kiểm định hiện trạng. Kết quả là, nhà ông Sơn xây dựng có nhiều vị trí lấn chiếm không gian nhà bà Phan từ 0,5 cm đến 2 cm.

Trình bày tại tòa lần này, con trai bà Phan cho rằng diện tích bị lấn chiếm theo số liệu đo vẽ nói trên là "rất lớn", gây thiệt hại cho gia đình họ nên yêu cầu phía gia đình ông Sơn phải bồi thường một tỷ đồng.

Phía bị đơn không đồng ý với yêu cầu của bà Phan và con trai, đề nghị tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKS đề nghị huỷ án sơ thẩm, xác định lại ranh đất, từ đó mới có căn cứ xác định có lấn chiếm không gian hay không, để giải quyết vụ án triệt để.

Hải Duyên

* Tên các đương sự đã thay đổi

Tin liên quan
Tin Nổi bật