Cạn kiệt trứng tuổi đôi mươi

16/09/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Tin Tức
Cạn kiệt trứng tuổi đôi mươi

Sương có kế hoạch kết hôn vào cuối năm. Cô đi khám tiền hôn nhân để bổ sung dinh dưỡng và các chất cần thiết. Ngoài ra, cô bị rối loạn kinh nguyệt, thường chậm kinh, kinh ít.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bác sĩ Phan Chí Thành chỉ định siêu âm buồng trứng và xét nghiệm chỉ số AMH (hormone dự trữ buồng trứng). Kết quả cho thấy Sương bị suy buồng trứng sớm, AMH chỉ còn 0,22, tương đương với người khoảng trên 40 tuổi.

"Điều này có nghĩa là số lượng trứng trong cơ thể bệnh nhân rất ít và đang còn mất dần", bác sĩ nói. Với chỉ số này, người bệnh rất khó có con và nên điều trị sớm.

Vừa nghe kết luận, Sương không nói nên lời, yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại. Tuy nhiên, kết quả không đổi.

Tương tự, Thu, 25 tuổi, kết hôn hai năm nhưng do công việc nên kế hoạch chưa sinh con. Gần đây, cô thấy mệt mỏi, kinh nguyệt ít, thưa, vài tháng mới có kinh một lần nên đi khám. Kết quả, người bệnh bị suy buồng trứng, số nang noãn non trong buồng trứng rất thấp, vài tháng mới có quả trứng rụng. Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh không thể mang thai vì không còn trứng để kích. Trường hợp này, bác sĩ sử dụng thuốc kích bằng đường uống, sau đó bơm tinh trùng để có con tự nhiên.

Dự trữ buồng trứng được coi như kho tài sản về mặt sinh sản của chị em phụ nữ. Do đó, việc đánh giá và khảo sát dự trữ buồng trứng giúp tư vấn và định hướng cho chị em có kế hoạch mang thai phù hợp.

Suy buồng trứng sớm là nguyên nhân chủ yếu gây vô sinh ở phụ nữ, thường gặp ở độ tuổi 40-50. Ngày nay, nhiều phụ nữ tuổi 30, thậm chí mới hơn 20, đã suy buồng trứng chưa rõ nguyên nhân.

Trên thế giới, khoảng 9-24% phụ nữ bị suy giảm buồng trứng trong số trường hợp cần hỗ trợ sinh sản. Ở Việt Nam, hiện không có thống kê tỷ lệ người bị suy giảm buồng trứng, tuy nhiên gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn so với những năm trước.

Bác sĩ khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Thùy An

Phụ nữ suy buồng trứng thường bị vô kinh hoặc ra máu không đều, rối loạn kỳ kinh, thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, đau khi quan hệ tình dục, âm đạo khô. Nhiều trường hợp giảm ham muốn tình dục, luôn né tránh chuyện giường chiếu, mất khả năng sinh sản, rối loạn tiết niệu...

Suy giảm buồng trứng không chỉ làm hạn chế khả năng mang thai mà còn dẫn đến mãn kinh sớm, do hao buồng trứng hết sạch nang trứng nên không sản xuất được nội tiết tố nữa. Do đó, nồng độ estrogen giảm mạnh gây thiếu hụt estrogen trầm trọng.

"Mãn kinh sớm khiến cơ thể lão hóa 60 tuổi trong cơ thể 30 tuổi. Điều này khiến sức khỏe bị giảm sút, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xương khớp, ung thư...", ông Thành cho hay.

Nguyên nhân suy giảm buồng trứng có thể do gene, tốc độ thoái hóa, bệnh phụ khoa... Tuổi của người phụ nữ càng cao thì dự trữ buồng trứng càng thấp. Lối sống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, thường xuyên thức khuya, gặp nhiều căng thẳng, stress, giảm cân quá mức cũng là yếu tố nguy cơ.

Hiện, không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng.

Trường hợp bệnh nhân làm xét nghiệm AMH thấp nhưng trong buồng trứng vẫn còn một số lượng trứng nhất định, bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ điều trị một cách tối đa. Nếu hai vòi trứng còn thông, tinh trùng của chồng tốt, bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng các loại thuốc kích trứng rồi quan hệ tự nhiên hoặc bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).

"Nếu bệnh nhân không còn nang trứng thì gần như biện pháp cuối cùng có thể giúp các vợ chồng hiếm muộn là đi xin trứng", bác sĩ nói. Tùy vào tình trạng và mong muốn của bệnh nhân mà bác sĩ tư vẫn điều trị.

Thùy An

*Tên nhân vật được thay đổi

Tin liên quan
Tin Nổi bật