Ngày 15/9, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi được bệnh viện từ Kiên Giang chuyển đến với tình trạng li bì, thở co kéo 38 lần/phút, vàng da vàng mắt, tiểu ít vàng sậm. Cơ thể bé có khoảng 70 vết ong đốt ở đầu mặt cổ, ngực, tay chân, trong đó vài nốt đốt có hoại tử ở giữa, sưng bầm tím xung quanh.
Các xét nghiệm ghi nhận bé tổn thương thận, gan rất nặng, suy hô hấp. Các bác sĩ phải đặt nội khí quản giúp thở, dịch truyền, kháng sinh, vitamin K1, hỗ trợ gan. Bệnh nhi được lọc máu, đang theo dõi điều trị tại khoa hồi sức, tình trạng vẫn còn rất nặng.
"Ong vò vẽ đốt có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em", bác sĩ nói. Do đó, cần chú ý đến các biện pháp phòng ngừa ong đốt, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Phát quang khu vực xung quanh nhà và vườn, đảm bảo không có tổ ong ẩn nấp.
Hướng dẫn trẻ không lại gần hoặc chọc phá tổ ong, tránh tiếp xúc với những khu vực có ong sinh sống. Khi đi dã ngoại hoặc vào rừng, tránh mặc quần áo sặc sỡ và sử dụng nước hoa vì có thể thu hút ong.
Nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nếu nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, tiểu đỏ, tiểu ít, đặc biệt là khi bị ong vò vẽ đốt trên 10 vết.
Hai hôm trước, 7 học sinh ở Nghệ An dùng que chọc tổ ong bắp cày để chơi đùa, bị côn trùng này tấn công khiến một em tử vong, những người còn lại phải cấp cứu.
Lê Phương